17 November

2022

Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục

          Bác Hồ, vị cha già vô cùng kính yêu của dân tộc Việt Nam, lúc sinh thời, người chính là một người thầy lỗi lạc, là tấm gương sáng ngời về đạo đức, tinh thần tự học và sáng tạo để mọi người học tập và noi theo. Thời gian thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết (1910 - 1911) thầy không những dạy học trò kiến thức văn hóa mà còn gieo vào tâm trí người học về nguồn cội, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

        Hòa trong không khí cả nước đang kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Trung tâm Thông tin - Thư viện xin gửi tới Quý bạn đọc một cuốn sách vô cùng ý nghĩa, đó là cuốn sách “Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục”. Đây là cuốn sách do tác giả Nguyễn Khánh Bật chủ biên, dày 255 trang, khổ 17x24cm do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Nổi bật trên bìa cứng màu cam trang nhã là hình ảnh Bác Hồ đang đọc sách cho các cháu học sinhTrường Trưng Vương thật gần gũi, thân thương, có sức lan tỏa tình cảm mạnh mẽ.

         Cuốn sách được chia làm năm phần với những nội dung cụ thể như sau: 

         Phần 1: Thư, điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành giáo dục, giáo viên và học sinh, sinh viên.

         Phần 2: Tác phẩm, bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục.

         Phần 3: Biên niên sự kiện.

         Phần 4: Kể chuyện Bác Hồ.

         Phần 5: Văn bản chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành giáo dục.

        Lật từng trang sách là những tư tưởng, tình cảm, niềm vui, nỗi trăn trở, ước mong của Người đối với sự nghiệp giáo dục VN nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển đất nước. 

         Những, bức thư, bức điện, bài nói, bài viết của Bác Hồ gửi ngành giáo dục, giáo viên và học sinh, sinh viên được tác giả sắp xếp tuần tự theo thời gian từ năm 1945 đến khi Người từ giã toàn thể nhân dân Việt Nam về với thế giới người hiền: khi thì gửi học sinh, lúc gửi chị em giáo viên bình dân học vụ, khi lại gửi cho các cá nhân cụ thể có thành tích trong công cuộc giáo dục… Mỗi câu, mỗi chữ, mỗi lời nói của Người chất chứa bao tình cảm, niềm vui, nỗi buồn của vị cha già kính yêu. Cứ mỗi mùa khai giảng, Người lại gửi thư cho các cháu học sinh yêu quý. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước VNDCCH, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Lời dạy của Người đã hiệu triệu, thúc đẩy mạnh mẽ hàng triệu thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, sinh viên trên cả nước tích cực thi đua “dạy tốt- học tốt” góp phần vào sự phát triển giáo dục nước nhà.

         Tư tưởng của Người về giáo dục khi đó có một tầm nhìn vượt thời đại, chỉ ra hướng đi vô cùng đúng đắn cho toàn dân ta. Đó là: xây dựng một nền giáo dục phải có tính toàn diện, trong đó giáo dục đạo đức là gốc rễ, nền tảng, lấy người học làm trung tâm, không chạy theo thành tích. Nội dung giáo dục toàn diện ở các mặt Thể dục, Trí dục, Mỹ dục và Đức dục, có sự kết hợp giữa học và hành, có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Người luôn đề cao vị trí của người thầy, tinh thần tôn sư, trọng đạo ở mỗi người.

           Người luôn trăn trở làm thế nào để xây dựng ở mỗi con người tinh thần tự học và học tập suốt đời. Tấm gương mẫu mực tự học và học suốt đời của Người là bài học vô cùng quý giá đối với các thế hệ người Việt Nam. Bác nói: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học.... Người đã tự học thông thạo Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, một số thứ tiếng khác và dùng ngoại ngữ làm cầu nối để tiếp cận văn hóa, tư tưởng tiến bộ trên thế giới.

           Bên cạnh việc thể hiện triết lý và những tư tưởng cốt lõi của Người về giáo dục cuốn sách đưa người đọc quay trở lại lịch sử, tái hiện các mốc sự kiện lớn đối với nền giáo dục nước ta theo các giai đoạn cụ thể. Một trong các mốc sự kiện quan trọng và nổi bật là phong trào Bình dân học vụ năm 1945 do Người khởi xướng. Phong trào Bình dân học vụ đã lan rộng và ăn sâu vào các thôn xóm, bản làng, người người học chữ, nhà nhà học chữ. Là người khai sinh ra ngành học Bình dân và lãnh đạo thành công phong trào này, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của việc dạy và học để sau này tổng kết thành câu nói vô cùng nổi tiếng: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. 

          Như vậy, Thầy giáo Nguyễn Tất Thành, kể từ khi còn trên bục giảng đến tận khi về thế giới bên kia, Người vẫn chọn cho mình một lối sống giản dị, liêm chính, mẫu mực. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM” là cơ hội để đội ngũ thầy giáo, cô giáo luôn nghĩ về phẩm cách của mình trong sự nghiệp trồng người, bởi trong hành trang vào đời của mỗi người hình ảnh người thầy vẫn lung linh và đầy nhân văn, cao cả.

                                                                                                                                       Trần Thị Vinh Hoa - Trung tâm TT- TV.